Những lưu ý về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy cũ

Saladin

Một trong những vấn đề cần quan tâm khi mua xe máy cũ là về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy kế thừa từ chủ sở hữu trước đó. Nếu mua một chiếc xe cũ còn hiệu lực hợp đồng bảo hiểm do chủ cũ đứng tên thì chủ mới có được hưởng bảo hiểm này hay không? Cùng Saladin tìm hiểu và nắm rõ những điều cần lưu ý khi mua xe máy cũ nhé!

I. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy có còn hiệu lực khi xe đổi chủ?

1.  Quy định về quyền sở hữu bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy

Nếu bạn mua xe máy cũ từ một người khác, bạn cần biết đến quy định về quyền sở hữu bảo hiểm TNDS xe máy. Theo đó, nếu trong thời hạn Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực mà có sự chuyển quyền sở hữu xe máy, thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

Điều đó có nghĩa là, đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy cũ, việc thay đổi người sở hữu không ảnh hưởng gì đến quyền lợi bảo hiểm. Nếu không thuộc các trường hợp bị hủy bỏ hợp đồng thì mọi quyền lợi bảo hiểm TNDS liên quan đến chiếc xe mặc nhiên vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe mới.

Do đó, nếu bạn mua xe cũ, bạn vẫn được kế thừa các quyền lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe cho đến khi hết thời hạn theo quy định.

2. Lưu ý khi chuyển nhượng bảo hiểm TNDS xe máy

Một số công ty bảo hiểm quy định trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm ký giấy mua bán xe, người mua xe phải làm văn bản đề nghị chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm TNDS xe máy từ chủ cũ sang chủ mới. Nếu không, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy sẽ chấm dứt kể từ thời điểm ký giấy bán xe.

Vì vậy, khi mua xe cũ còn hiệu lực bảo hiểm, bạn cần kiểm tra xem chủ xe cũ đã mua bảo hiểm bắt buộc xe máy của công ty nào. Nếu công ty đó yêu cầu làm văn bản đề nghị chuyển nhượng hợp đồng thì bạn cần thực hiện đúng để được hưởng quyền lợi bảo hiểm cho xe và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

II. Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy ghi thiếu thông tin có giá trị không?

Một điều bạn cần kiểm tra nữa liên quan đến bảo hiểm TNDS xe máy khi mua xe máy cũ là thông tin trên giấy chứng nhận bảo hiểm.

  • Nếu Giấy chứng nhận bảo hiểm thiếu thông tin quan trọng như số điện thoại, số khung, số máy, lỗi này thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, nếu có yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường theo quy định.
  • Trong trường hợp Giấy chứng nhận bảo hiểm ghi thiếu thông tin nhưng có đủ thông tin về chủ xe, địa chỉ, số biển kiểm soát, thì chủ xe vẫn được hưởng quyền lợi bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra  
  • Nếu CSGT kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS xe máy không ghi đủ thông tin nhưng có các thông tin đủ để xác định đúng chủ xe, số biển kiểm soát và đây là Giấy chứng nhận bảo hiểm thật có thể xem như chủ xe đã mua bảo hiểm đúng quy định.

Tuy nhiên, bạn luôn luôn cần xem kỹ thông tin trên Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS xe máy, nếu có thiếu sót thì cần báo ngay đến công ty bảo hiểm và yêu cầu bên cung cấp bổ sung đầy đủ.

III. Giấy tờ cần thiết khi yêu cầu bồi thường bảo hiểm TNDS xe máy

Khi xảy ra tai nạn giao thông, chủ xe máy cần cung cấp các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn để lập hồ sơ bồi thường. Bao gồm:

1. Tài liệu liên quan đến xe, lái xe

Danh sách giấy tờ bao gồm:

  • Chứng nhận bảo hiểm
  • Giấy phép lái xe
  • CMND/ CCCD/ Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe
  • Giấy đăng ký xe

2. Các tài liệu chứng minh thiệt hại về người

Các giấy tờ này gồm có:

  • Hồ sơ bệnh án; 
  • Giấy chứng thương hoặc Giấy chứng tử 
  • Giấy chứng nhận phẫu thuật; 
  • Giấy ra viện

3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản

Ví dụ:

  • Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại (do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm);
  • Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

4. Tài liệu của cơ quan có thẩm quyền

Bạn cũng cần chuẩn bị bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn ( nếu có), cụ thể là:

  • Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn;
  • Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có);
  • Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;
  • Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông;
  • Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có)

IV. Những lưu ý khi mua xe máy cũ

1. Kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ xe

Cách tốt nhất là bạn nên mua xe chính chủ. Hãy yêu cầu chủ xe hiện tại cung cấp giấy đăng ký, hóa đơn mua xe gốc và chứng minh nhân dân để đối chiếu xem thông tin trên hóa đơn có khớp với giấy đăng ký, giấy đăng ký có khớp với chứng minh nhân dân của chủ xe hay không. 

Trong trường hợp buộc phải mua xe máy cũ đã qua nhiều đời chủ, bạn nên yêu cầu chủ xe hiện tại cung cấp đầy đủ giấy tờ mua bán, tặng cho hợp pháp (có xác nhận của chính quyền địa phương) giữa người đó và các chủ cũ của xe. 

Ngoài ra, hãy xác định thật kỹ xem liệu giấy tờ xe mà chủ cũ cung cấp có phải giấy tờ giả hay không. Bí kíp là mang theo một mẩu giấy trắng và một chiếc bút chì để cà mã số khung và mã số máy rồi đối chiếu với giấy tờ gốc.

Việc này không chỉ giúp bạn dễ dàng sang tên xe sau này nếu muốn bán tiếp, mà còn giúp xác định chính xác nguồn gốc của xe, tránh tình trạng mua phải xe máy có dính đến pháp luật, do trộm cắp, phạm tội mà có.

2. Công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán xe

Nếu mua xe máy cũ, bạn cần tiến hành lập hợp đồng với người bán, sau đó phải công chứng hợp đồng tại Văn phòng công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tại Ủy ban nhân dân địa phương.

Bạn và bên bán cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng.

– Giấy đăng ký xe

– Một trong các giấy tờ tùy thân của người mua và người bán: CMND/ CCCD, /Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, giấy đăng ký kết hôn (nếu có)…

– Dự thảo hợp đồng mua bán xe (nếu có).

3. Tiến hành sang tên xe trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có hợp đồng

Nếu bạn là người mua xe máy cũ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, bạn cần phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Nếu đăng ký sang tên xe muộn, quá thời hạn trên, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy theo quy định sau khi mua từ người khác. Mức phạt cụ thể đối với lỗi này là:

  • Cá nhân: 400.000 – 600.000 đồng
  • Tổ chức: 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng

Tổng kết

Việc quản lý giấy tờ khi mua hoặc bán xe máy đòi hỏi bạn cần có kiến thức và sự cẩn thận cao. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm những lưu ý để quá trình mua bán xe máy diễn ra suôn sẻ, đặc biệt là phần chuyển nhượng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy.

Nếu bạn muốn quản lý giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xe máy một cách thuận tiện hơn, hãy thử mua bảo hiểm xe máy qua website hoặc ứng dụng Saladin -nền tảng bảo hiểm công nghệ đa giải pháp. Với thao tác nhanh gọn, an toàn, đội ngũ hỗ trợ hotline trực tuyến, bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu sau này có bất cứ sự thay đổi nào xảy ra đối với hợp đồng bảo hiểm xe máy của mình.

Tham khảo thêm tại đây

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng liên hệ với Saladin để được tư vấn thêm về bảo hiểm.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem hết bình luận

Bài viết liên quan